Điểm đến
NHỮNG ĐỊA ĐIỂM NÊN GHÉ KHI ĐẾN QUẢNG NAM
Du lịch Quảng Nam có gì? Khu du lịch Quảng Nam là một trong những điểm đến đầy sức hút được rất nhiều du khách quan tâm. Miền di sản mang đến một hành trình trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp và sự đa dạng văn hóa đầy ấn tượng.
1. Phố cổ Hội An
Đô thị cổ Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam. Nhờ yếu tố địa lý thuận lợi, Hội An từng là thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Hoa và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18. Trước thời kỳ này, khoảng thế kỷ thứ 02 đến 15, nơi đây cũng từng có những dấu tích của thương cảng Chămpa, con đường tơ lụa trên biển. Cách đây hơn 2000 năm, nơi đây là vùng đất của cư dân Sa Huỳnh với nền văn hoá Sa Huỳnh phát triển rực rỡ. Tuy nhiên, vào thế kỷ 19, do giao thông đường thủy không còn thuận tiện, cảng thị Hội An dần suy thoái. Hội An may mắn không bị tàn phá trong các cuộc chiến tranh và tránh được quá trình đô thị hóa ồ ạt cuối thế kỷ 20.
Đô thị cổ Hội An ngày nay là một điển hình về cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn. Phần lớn những ngôi nhà ở đây là những kiến trúc truyền thống có niên đại khoảng chừng thế kỷ 18 và thế kỷ19 phân bố dọc theo những trục phố nhỏ hẹp. Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể qua các công trình kiến trúc nghệ thuật, Hội An còn lưu giữ các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú. Cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển. Hội An được xem như “bảo tàng sống” về kiến trúc và lối sống đô thị.
Ngày 04/12/1999, tại thành phố Marrakesh (Morocco), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) công nhận đô thị cổ Hội An là di sản văn hoá thế giới.
Địa chỉ: Bạch Đằng, Phường Minh An, Thành phố Hội An, Tỉnh Quảng Nam
Số điện thoại: 02353847777
2. Thánh địa Mỹ Sơn
Khu đền tháp Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Khu đền tháp tọa lạc trong một thung lũng kín có đường kính khoảng 02 km, các dãy núi vòng cung bao bọc trung tâm khu đền tháp, tách biệt với thế giới bên ngoài. Phía Nam khu đền tháp Mỹ Sơn là đỉnh núi Mahapavata (còn có tên gọi khác nhau như đỉnh Hòn Đền, núi Chúa, đỉnh Răng Mèo). Xung quanh đỉnh núi này có nhiều câu chuyện, truyền thuyết gắn liền với cuộc sống tâm linh của cộng đồng dân cư địa phương. Đối với Mỹ Sơn, núi Chúa còn biểu tượng cho đỉnh núi thiêng của vương quốc Chămpa, được ví như ngọn hải đăng đối với các thuyền buôn khi qua vùng đất Amaravati (tiểu quốc Chămpa).
Khu đền tháp Mỹ Sơn cũng là trung tâm tôn giáo tín ngưỡng của các vương quốc Chămpa. Địa điểm thung lũng nằm lệch về phía Tây kinh thành Simhaphura (Trà Kiệu) khoảng 20 km. Bắt đầu từ thế kỷ thứ 04, Mỹ Sơn được các vương quốc Chămpa xây dựng kéo dài đến thế kỷ thứ 13. Trải dài hàng chục thế kỷ, số lượng đền tháp ngày một xây dựng nhiều hơn, Mỹ Sơn trở thành nơi ghi dấu sự phát triển rực rỡ của văn minh Chămpa. Nơi đây, với hơn 70 công trình kiến trúc chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, được đánh giá tương đồng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á như Ăngko, Pagan, Bôrôbudua.
Với lịch sử phát triển lâu đời, Mỹ Sơn trở thành một kho tàng văn hóa rực rỡ, sinh động, mang giá trị thẩm mỹ của nhân loại. Nhiều phong cách kiến trúc của nghệ thuật Chămpa được khẳng định và phát triển trong quần thể di tích này.
Sự giao lưu văn hóa, tiếp nhận nền văn minh Ấn Độ trong đó có tín ngưỡng Hindu giáo dần khẳng định vai trò trong xã hội Chămpa, chi phối mọi mặt đời sống chính trị – xã hội. Mỹ Sơn trở thành trung tâm tôn giáo cực thịnh và quan trọng nhất. Các cuộc nghiên cứu, khảo cổ học khẳng định tín ngưỡng thờ vua – thần là tín ngưỡng chủ đạo trong hệ thống thờ tự ở Mỹ Sơn. Đền tháp bố trí, sắp xếp về không gian, thời gian, gắn với quan niệm về vũ trụ, thần linh.
Ngày 04/12/1999, tại thành phố Marrakesh (Morocco), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) công nhận khu đền tháp Mỹ Sơn là di sản văn hoá thế giới.
Địa chỉ: Xã Duy Phú, Huyện Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam
Số điện thoại: 02353847777
3. Khu du lịch Cù Lao Chàm
Nằm ở phía hạ lưu sông Thu Bồn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An có hệ sinh thái đa dạng, độc đáo của vùng cửa sông và ven bờ, kết nối hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An có tổng diện tích 33.475 ha, được phân thành 3 phân vùng chức năng:
Vùng lõi – Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm: Có diện tích 11.560 ha là nơi thực hiện chủ yếu chức bảo tồn thông qua hoạt động của Khu bảo tồn biển và lực lượng bảo tồn rừng đặc dụng Cù Lao Chàm. Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm góp phần quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, hỗ trợ phát triển, cải thiện sinh kế cho cộng đồng cư dân, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường và các giá trị tài nguyên thiên nhiên tại xã đảo Cù Lao Chàm. Hòn đảo này cũng là nơi đầu tiên trên cả nước thực hiện chương trình “Nói không với túi ni lông”, phát động “Nói không với ống hút nhựa” và hướng đến nói không với rác thải nhựa dùng một lần.
Vùng đệm – Vùng cửa sông Thu Bồn: Là vùng đi từ biển vào đất liền với diện tích trải dài lên đến 20,350 ha. Vùng cửa sông Thu Bồn thừa hưởng một hệ sinh thái đa dạng với hệ thống sông, kênh rạch, bãi biển, rừng ngập mặn mà ở đây chủ yếu là dừa nước. Rừng dừa nước Cẩm Thanh, căn cứ địa nổi tiếng một thời, nay trở thành địa điểm thu hút đông đảo du khách muốn được trải nghiệm khung cảnh làng quê sông nước Nam Bộ ngay tại miền Trung. Nơi đây còn là bãi đẻ của nhiều loài thủy hải sản và đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng nước trước khi ra biển và liên kết sinh thái giữa lục địa – đại đương.
Vùng chuyển tiếp: Là phần diện tích tự nhiên còn lại, trong đó nổi bật là khu phố cổ Hội An quyến rũ du khách bởi vẻ đẹp trộn lẫn giữa không gian truyền thống và hơi thở của thời đại mới. Hội An là một “di sản sống”, trong đó những con người xứ Quảng nhân tình thuần hậu, các làng nghề truyền thống gắn kết thiên nhiên và con người.
Ngày 26/5/2009, tại đảo Jeju – Hàn Quốc, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO)công nhận Cù Lao Chàm – Hội An là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Địa chỉ: Xã Tân Hiệp, Thành phố Hội An, Tỉnh Quảng Nam
Số điện thoại: 0913478777
4. Khu du lịch sinh thái Hồ Phú Ninh
Hồ Phú Ninh cách thành phố Tam Kỳ 07 km và thành phố Hội An 55 km. Đây là công trình thuỷ lợi có sức chứa gần nửa tỷ mét khối nước, với diện tích mặt hồ rộng 3.433ha cùng 23.000ha rừng phòng hộ và 30 đảo, bán đảo nhỏ xinh đẹp. Hồ Phú Ninh là một khu du lịch sinh thái lý tưởng với khí hậu mát mẻ, trong lành và hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Khu du lịch sinh thái Phú Ninh với các hoạt động du lịch: Nghỉ dưỡng, tham quan cảnh quan hồ, tắm khoáng nóng và spa, dịch vụ mua sắm đồ lưu niệm, phục vụ hội nghị, ẩm thực, xe đạp địa hình, câu cá…
Đến với khu du lịch sinh thái Hồ Phú Ninh, du khách sẽ được trải nghiệm nghỉ đêm tại khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp “Phú Ninh Bungalow”. Hệ thống cơ sở lưu trú được thiết kế theo phong cách kiến trúc độc đáo, hòa quyện vào thiên nhiên, hứa hẹn sẽ mang lại cho du khách một không gian nghỉ ngơi lý tưởng và tận hưởng cuộc sống.
Địa chỉ: Xã Tam Đại, Huyện Phú Ninh, Tỉnh Quảng Nam
Số điện thoại: 0972249012
5. Xã Đảo Tam Hải
Đảo Tam Hải cách thành phố Tam Kỳ 40 km, cách thành phố Hội An 80 km. Đảo Tam Hải như hòn ngọc quý chưa được mài giũa. Vẻ đẹp hoang sơ của đảo Tam Hải hấp dẫn những người thích khám phá và trải nghiệm. Đảo Tam Hải một mặt giáp biển và ba mặt giáp sông nên người dân sinh sống chủ yếu dựa vào sông nước với những nét văn hóa đặc trưng của cư dân vùng biển.
Mõm Bàn Than cách thành phố Tam Kỳ 30 km, cách thành phố Hội An 80 km. Trên suốt dãi bờ biển nước xanh, cát trắng chạy dài từ Bắc xuống Nam Quảng Nam, nổi bật lên một vách đá sắc đen như than, xếp chồng lên nhau kéo dài hơn 02 km, đỉnh cao khoảng 40 m với nhiều hình thù lạ mắt, vân đá tạo thành những tác phẩm điêu khắc độc đáo của tạo hoá. Từ đỉnh Bàn Than, du khách có thể nhìn bao quát một vùng biển trời mênh mông với bóng dáng ẩn hiện của hòn Ông – Cù Lao Chàm.
Địa chỉ: Xã Tam Hải, Huyện Núi Thành, Tỉnh Quảng Nam
Số điện thoại: 0913478777
6. Bãi Rạng
Bãi tắm biển Rạng cách thành phố Tam Kỳ 35 km, cách thành phố Hội An 80 km. Biển Rạng là nơi lý tưởng để mỗi chiều du khách cùng bạn bè tìm về thư giãn, tắm mát. Du khách sẽ được thưởng thức hương vị thơm ngon với những món ăn được người dân địa phương chế biến từ sản vật biển
Địa chỉ: Xã Tam Quang, Huyện Núi Thành, Tỉnh Quảng Nam
Số điện thoại: 02353847777
7. Tượng đài Mẹ Thứ
Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng cách trung tâm thành phố Tam Kỳ 07 km, cách thành phố Hội An 45 km. Công trình tri ân, tưởng nhớ các Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người đã cống hiến, hi sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Đây là nơi ghi danh hơn 100 ngàn Mẹ Việt Nam Anh hùng trên cả nước và lưu giữ những hiện vật, hình ảnh, tư liệu gắn liền với cuộc đời tần tảo, hi sinh của các Mẹ.
Địa chỉ: Xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Tỉnh Quảng Nam
Số điện thoại: 0913478777
8. Vườn Cừa – Làng Hương Trà
Hương Trà là ngôi làng trên 500 tuổi, với những nếp nhà cổ kính, những vườn cây xanh rợp bóng mát quanh năm. Làng được bao bọc bởi 02 con sông, sông Tam Kỳ và sông Bàn Thạch. Có hàng sưa và vườn cừa cổ thụ gần 300 năm tuổi rủ bóng bên sông. Cứ mùa tháng ba về là hoa sưa dát vàng lối đi trong làng. Có các điểm tham quan lịch sử, văn hóa, thiên nhiên như: Đình làng Hương Trà, Mộ Giày thầy Lánh, Giếng cổ Bốn trụ của người Chăm, Di tích lịch sử chi bộ Đồng, có nghệ thuật hát bội truyền thống, nghệ thuật múa lân – sư – rồng của người Hoa; làng nghề truyền thống rèn Hồng Lư, nghề làm bánh chưng, bánh tét.
Lễ hội hoa sưa là hoạt động thường niên của thành phố Tam Kỳ và phường Hòa Hương, nhằm tiếp tục tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc qua đó giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người và các điểm du lịch Tam Kỳ nói chung và phường Hòa Hương nói riêng; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, dịch vụ và du lịch của thành phố Tam Kỳ.
Địa chỉ: Phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ, Tỉnh Quảng Nam
Số điện thoại: 0913478777
9. Bãi đá Lò Thung, sông Đá Giăng
Bãi đá Lò Thung nằm trên sông đá Giăng, giáp bìa làng cổ Lộc Yên. Lò Thung được ví như một “vương quốc” đá huyền bí với hàng trăm hang hốc hình thù kỳ lạ trải dài gần 1km, một không gian sinh thái nguyên sơ, hiền hòa, trong lành, thích thú cho những ai muốn trải nghiệm sông nước. Bãi đá Lò Thung còn gắn với huyền thoại về vị khổng lồ đã từng sinh sống qua những dấu vết còn khắc họa trên đá.
Dọc hai bên đường, bạn sẽ được cảm nhận không khí thoáng đãng, trong lành với núi rừng kỳ vĩ, trải dài đến bãi đá. Với hàng trăm hang đá hình dạng độc đáo và khác biệt nên chỉ cần đứng từ xa, du khách đã nhận ra được “vương quốc đá” rộng lớn này.
Trải dài hơn 1km đường sông, những bãi đá ngộ nghĩnh, ngút ngàn nằm giữa hai sông Lò Thung và Đá Giăng luôn mang đến cho du khách bất ngờ này đến bất ngờ khác trong lần đầu tiên đến đây.
Những hòn đá có hình thù kỳ lạ như vậy là do dưới tác động chảy lớn của mực nước trong thời gian dài tạo nên. Giữa không gian rộng lớn, nghe tiếng nước róc rách khẽ qua từng khe đá khiến địa điểm này có sức hút hơn bao giờ hết.
Đây được coi là khung cảnh lý tưởng bởi sắc xanh ngọc bích của dòng nước, những bãi đá độc đáo hiện lên giữa rừng cây kỳ vĩ, khí hậu trong lành. Khiến con người như được sống chậm lại, bỏ qua những hối hả, lo toan của cuộc sống.
Qua năm tháng, người dân địa phương ở đây đã đặt tên cho các hòn đá theo hình dạng của nó như: “cối trời”, “bàn chân khổng lồ”, “giếng trời”,… mỗi tên gọi lại mang những ý nghĩa thể hiện vẻ đẹp riêng của nơi đây.
Khi đến đây, du khách đều cảm thấy thích thú trước trước những cối đá tròn và có đường kính khoảng 20cm vừa mới lạ vừa tự nhiên. Là một trong những khu du lịch sinh thái tiềm năng, bãi đá Lò Thung Quảng Nam luôn tạo sự bất ngờ cho du khách mỗi khi đến đây.
Địa chỉ: Xã Tiên Cảnh, Huyện Tiên Phước, Tỉnh Quảng Nam
Số điện thoại: 0972249012
10. Địa đạo Kỳ Anh
Nằm cách thành phố Tam Kỳ 07km về phía Đông Bắc, cách thành phố Hội An 44 km về phía Nam, là một trong ba địa đạo có quy mô lớn nhất của nước ta, được nhân dân và bộ đội địa phương xây dựng vào năm 1965 và hoàn thành vào năm 1967. Địa đạo với tổng chiều dài 32km, là một mạng lưới đường hầm gồm hầm cứu thương, hầm tác chiến, hầm chỉ huy, hầm chứa lương thực… Địa đạo là thành trì vững chắc của quân và dân vùng đất cát Tam Thăng trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, và đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia.
Địa chỉ: Xã Tam Thăng, Thành phố Tam Kỳ, Tỉnh Quảng Nam
Số điện thoại: 0913478777
11. Làng cổ Lộc Yên
Làng cổ Lộc Yên cách thành phố Tam Kỳ 35 km, cách thành phố Hội An 80 km. Làng cổ Lộc Yên là một không gian văn hóa, sinh thái đặc trưng của vùng trung du Quảng Nam. Tại đây còn lưu giữ những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi: độc đáo về không gian kiến trúc, tinh xảo trong nghệ thuật chạm trổ được hình thành từ nguyên liệu chính là gỗ mít vườn, một loại cây ăn quả đặc sản Tiên Phước. Đây là nơi lưu dấu sự tài hoa và khéo léo của các nghệ nhân phường mộc Vân Hà – một phường mộc khá nổi tiếng ở vùng Quảng Nam xưa với sự điển hình của chiếc bàn xoay bí ẩn, kỳ thú. Đặc biệt còn có cả một không gian văn hóa đá của người dân xứ Tiên: những bờ đá, mộ đá, giếng đá hàng trăm năm tuổi.
Địa chỉ: Xã Tiên Cảnh, Huyện Tiên Phước, Tỉnh Quảng Nam
Số điện thoại: 0913478777
12. Làng mộc Văn Hà
Làng Mộc truyền thống Văn Hà cách thành phố Tam Kỳ 8 km về hướng Tây Bắc, thuộc thôn Phú Văn, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, Quảng Nam. Là một làng mộc nổi tiếng ở Quảng Nam và đã được 300 năm tuổi. Đây là làng nghề chuyên thi công các loại nhà Rường hay nhà cổ truyền của người Việt, có sức ảnh hưởng rất lớn đến lối kiến trúc của các tỉnh thành trong khu vực. Những hoa văn, chi tiết trang trí trên các bộ vì kèo do thợ Văn Hà làm thường nghiêng về đề tài núi non, trong khi thợ Kim Bồng thích đề tài về biển. Kim Bồng mạnh về nội thất, còn nhà đẹp thì chủ yếu do tay người thợ Văn Hà làm nên, trong đó có Đình Chiên Đàn cũng là thành phẩm của người thợ mộc làng Văn Hà. Với làng mộc Văn Hà thì thợ trong làng chuyên về nhà gỗ, nhà cổ, bàn độc xoay (Chiếc bàn tự xoay, người làng Văn Hà gọi đó là bàn “độc xoay” (bàn một trụ và xoay được). Mục đích các cụ xưa làm nên chiếc bàn này là để cúng ở ngoài sân, khi muốn xoay các hướng để khấn vái thổ thần… thì lấy tay xoay cho nó tiện, khỏi phải sắp xếp lại đồ đạc. Đồng thời chiếc bàn này còn được gọi là “Bàn Ma Thuật” vì nó có khả năng tự xoay bằng sự cảm ứng từ bàn tay người thường.
Đặc biệt trong làng còn có rất nhiều nhà cổ với lối kiến trúc đặc trưng, như: “tam nhị hạ thiên”, “tam gia tứ hạ”, “năm gian hai chái cổ lầu”… với những nét chạm khắc tinh xảo. Có ngôi nhà toàn gỗ mít, phải mất 3 năm công mới làm xong. Mới đây, những người yêu nghề của làng mộc đã lập nên tổ hợp, đẩy mạnh phát triển làng nghề và được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận làng nghề truyền thống vào năm 2013.
Địa chỉ: Xã Tam Thành, Huyện Phú Ninh, Tỉnh Quảng Nam
Số điện thoại: 0913478777
13. Bảo tàng Quảng Nam
Bảo tàng Quảng Nam tại 281 Phan Bội Châu, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Bảo tàng có tổng diện tích sử dụng 21.976 m2, diện tích trưng bày ngoài trời 1.305 m2, vườn tượng danh nhân 1.004 m2, khu phục dựng văn hóa các dân tộc Quảng Nam 2.164 m2. Riêng phần trưng bày bên trong của bảo tàng có diện tích 2.700 m2, bao gồm các lĩnh vực: Đặc điểm tự nhiên và tài nguyên tỉnh Quảng Nam, văn hóa các dân tộc Việt Nam và lịch sử, xã hội tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra còn có gian trưng bày chuyên đề để phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa của tỉnh.
Địa chỉ: 281 Phan Bội Châu, Phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ, Tỉnh Quảng Nam
Số điện thoại: 02353847777
14. Văn Thánh Khổng Miếu
Với diện tích 6.200m2, đây là nơi thờ đức Khổng Tử và tổ chức huấn học về tư tưởng Nho giáo, nơi tôn vinh truyền thống hiếu học cho thế hệ trẻ. Văn Thánh – Khổng Miếu được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2006. Từ Quảng trường 24/3 đến Văn thánh – Khổng miếu khoảng 1,5km.
Các hoạt động:
– Dâng hương, tham quan di tích.
– Tìm hiểu các nét điêu khắc, kiến trúc chạm trổ tinh tế trên các cấu kiện gỗ.
– Tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian: Đêm thơ Tết Nguyên Tiêu, hô hát bài chòi, các trò chơi dân gian vào tháng Giêng và tháng 7 âm lịch.
Địa chỉ: Phan Bội Châu, Phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ, Tỉnh Quảng Nam
Số điện thoại: 02353847777
15. Bãi tắm Tam Thanh
Bãi tắm Tam Thanh cách trung tâm thành phố 07 km, cách thành phố Hội An 50 km. Hành trình đến với bãi tắm Tam Thanh, du khách kết hợp tham quan di tích lịch sử tháp Chiên Đàn, địa đạo Kỳ Anh, làng bích họa Tam Thanh, bãi sậy sông Đầm, tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, tham quan khu du lịch sinh thái Hồ Phú Ninh. Đến với bãi tắm Tam Thanh vào những ngày Hè, du khách chiêm ngưỡng bãi cát thoai thoải, mịn màng như thảm lụa khổng lồ. Du khách được thưởng thức nhiều đặc sản biển tươi ngon.
Dưới bàn tay tài hoa của các họa sỹ và tình nguyện viên Việt Nam, Hàn Quốc, tường nhà, hàng rào, cổng ngõ của hơn 100 ngôi nhà ở làng chài Tam Thanh trở thành những bức tranh sinh động, phản ánh chân thực cảnh sắc, đời sống thường nhật ở làng chài. Đến với làng Bích họa Tam Thanh, du khách sẽ cảm nhận nét hồn hậu của một làng chài ven biển và được trải nghiệm các hoạt động vui chơi, câu cá, tắm biển, ghé thăm làng nghề nước mắm truyền thống và thưởng thức nhiều loại hải sản tươi ngon.
Địa chỉ: Xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Tỉnh Quảng Nam
Số điện thoại: 0913478777
16. Chợ cá Tam Tiến
Chợ Tam Tiến thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Cách thành phố Tam Kỳ tầm 15 km, bạn sẽ không mất quá nhiều thời gian để di chuyển đến đây. Dù vậy khu chợ này đa phần chỉ có người dân địa phương biết đến và vẫn chưa khai thác du lịch. Lý do là vì chợ Tam Tiến thường họp vào lúc sáng sớm và phần nhiều du khách rất ngại việc phải dậy sớm. Muốn tham quan khu chợ này bạn phải đến trong khoảng thời gian từ 4 giờ đến 5 giờ. Nếu đi trễ chợ sẽ tan họp, chỉ còn lại lai rai một vài ngư dân. Sở dĩ chợ cá họp sớm như vậy là vì ngư dân thường đi đánh cá về rất sớm. Ngày hôm trước những người ngư dân sẽ ra khơi lúc tầm 3 giờ chiều ngày hôm trước và về lại đất liền khoảng 3 giờ, 4 giờ sáng hôm sau. Người nhà, thương lái cũng bắt đầu tụ họp để mua bán được những loại hải sản tươi ngon nhất. Nhìn khu chợ đời thường như thế này người ta khó có thể tin được, chợ Tam Tiến đã tồn tại hơn 15 năm. Ngày xưa, đây chỉ đơn thuần là nơi tàu thuyền cập bến. Về sau khi số lượng tàu đánh cá tăng lên, thương lái cũng tập trung nhiều hơn tạo nên khu chợ nhộn nhịp. Xưa kia, mặt hàng buôn bán chủ yếu ở đây là hải sản. Bây giờ thì đã đa dạng các loại hàng hoá hơn. Còn một điều đặc biệt nữa, chợ Tam Tiến chỉ hoạt động vào mùa hè. Đây là mùa hoạt động biển nhộn nhịp, tàu thuyền ra khơi nhiều. Nếu muốn tham quan chợ Tam Tiến bạn nên đến vào thời gian này.
Địa chỉ: Thôn Ngọc An, Xã Tam Tiến, Huyện Núi Thành, Tỉnh Quảng Nam
Số điện thoại: 0913478777